5 ngộ nhận về loa
Những người mới "bén hơi" với thú chơi âm thanh thường rất bỡ ngỡ trước vô số nhãn hiệu loa trên thị trường. Và hậu quả là mất tiền nhưng vẫn chẳng được nghe nhạc hay. Dưới đây là 5 ngộ nhận thường gặp nhất khi tìm mua loa.
1. Tìm một nhãn hiệu điện tử nổi tiếng (big brand name) và chắc mẩm đây là đồ tốt
Nghe có vẻ hơi vô lý vì chẳng lẽ những đại gia trong làng điện tử thế giới như Sony, Kenwood hoặc các hãng nổi tiếng khác, vốn rất giỏi trong việc sản xuất đầu CD, các thiết bị video, audio... lại không thể thiết kế và sản xuất được những bộ loa hi-end? Thế nhưng sự thật lại hoàn toàn đúng như vậy. Không ai phủ nhận được trình độ kỹ thuật siêu việt của người Nhật nhưng có một thực tế là ngay cả trên thị trường nghe nhìn của đất nước mặt trời mọc, mác loa được ưa chuộng nhất lại có xuất xứ từ châu Âu, đặc biệt là loa Tannoy. Lý do là việc sản xuất loa đòi hỏi những tiêu chuẩn đặc biệt cùng với những bí quyết được đúc rút qua kinh nghiệm hàng trăm năm.
2. Mua loa nhanh như mua hamburger
Việc không thèm nghe thử bộ loa với những đĩa nhạc yêu thích sẽ sớm khiến bạn phải thất vọng với món đồ vừa sắm. Theo giới sành nhạc, tốt nhất bạn nên thăm thú nhiều cửa hàng âm thanh và đừng quên mang theo những đĩa nhạc "ruột" của mình. Nếu có thể, hãy mượn bộ loa về nhà để thẩm âm trong chính căn phòng định lắp đặt. Đừng để các nhân viên bán hàng "hù doạ" bởi những lời quảng cáo.
3. Bị "chinh phục" bởi tiếng bass trầm sâu từ loa subwoofer
Hãy quan tâm đến cả các kênh âm thanh trung tâm cũng như loa phải và loa trái. Tiếng bass sâu đúng là rất quyến rũ, thế nhưng nếu bạn xem phim và nghe nhạc thì phần lớn các âm thanh phát ra là cao âm và trung âm chứ không phải chỉ là tiếng bass.
4. Mê dáng vẻ xinh xắn và hiện đại
Các bộ loa có thiết kế nhỏ gọn (người ta thường gọi là compact) trông rất gọn gàng và đẹp mắt. Thế nhưng đừng vội vàng ôm về một dàn loa chỉ để trông cho vừa mắt với nội thất chung của nhà bạn. Hiệu quả âm thanh thường tỷ lệ nghịch so với kích thước, nhất là khi nghe nhạc rock 'n roll.
5. Rước về cặp loa của một hãng sản xuất mà danh tiếng nhưng lười cải tiến kỹ thuật
Thật buồn là có nhiều hãng sản xuất nổi tiếng chỉ quan tâm đến việc đầu tư hàng đống tiền cho việc tiếp thị, xuất hiện trên tất cả các quảng cáo về âm thanh. Trong khi đó, lại sử dụng những vật liệu rẻ tiền để sản xuất, thậm chí chẳng thèm cải tiến những kỹ thuật đã có tuổi đời cả... nửa thế kỷ.
Cách "phòng tránh" là hãy chịu khó nghiên cứu các tạp chí âm thanh để nhận được lời khuyên của dân chuyên nghiệp hoặc chịu khó lướt web đọc nhận xét của những người từng sử dụng loại loa này. Nếu không, học phí sẽ chẳng rẻ chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét